Thương mại hóa kết quả nghiên cứu lý thuyết - công cụ và ứng dụng

Thương mại hóa kết quả nghiên cứu lý thuyết - công cụ và ứng dụng

Chuyển giao công nghệ theo cách nào thì phù hợp? theo phương pháp chuyển giao quyền sử dụng, theo phương pháp góp vốn, hay theo phương pháp chuyển giao quyền sở hữu công nghệ?

Để làm rõ hơn các bước, phương án phù hợp phục vụ công việc chuyển giao công nghệ, đồng thời mở rộng mạng lưới các nhà khoa học, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, cán bộ Trung tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ đã tham gia khóa đào tạo “Thương mại hóa kết quả nghiên cứu lý thuyết, công cụ và ứng dụng” ngày 1 - 3 tháng 11 năm 2022 tại số 39 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Khóa đào tạo được tổ chức bởi Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) và được tài trợ bởi Chương trình đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (Aus4innovation). Mục đích của khóa đào tạo nhằm giúp các nhà nghiên cứu, chuyên gia tư vấn, doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ nhận dạng, phân tích được các khía cạnh kinh tế, pháp lý trong toàn bộ tiến trình thương mại hóa, thành thạo các bước trong tiến trình thương mại hóa, xây dựng được kế hoạch khả thi về thương mại hóa cho mình và cộng sự.

Một số hình ảnh tại khóa đào tạo

Tại khóa đào tạo, rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn đã được chia sẻ, đúc kết. Một số ý kiến nổi bật như sau:

Các dữ liệu về công nghệ hiện nay khoảng 80-85% dữ liệu chìm, chỉ có 15-20% dữ liệu bề nổi trên Google. Cần có kỹ năng tra cứu thông tin thì mới tiếp cận được các dữ liệu chìm này. Việc tra cứu dữ liệu công nghệ trước khi nghiên cứu sẽ giúp tiết kiệm được công sức, thời gian, tài chính, cũng như định hướng nghiên cứu cho tác giả rất nhiều.

Tính mới của công nghệ tùy thuộc vào từng thời điểm cụ thể. Đôi khi công nghệ không mới nhưng vẫn có chỗ đứng trên thị trường. Đôi khi công nghệ mới nhưng lại không có chỗ đứng trên thị trường.

Thông thường các luận án tầm tiến sĩ trở lên là có kết quả nhất định và tác giả mong muốn đem đi thương mại hóa. Tuy nhiên việc đem sản phẩm trí tuệ đi thương mại hóa thường bị doanh nghiệp mua chuộc, nuốt trọn. Trường hợp tác giả tự làm thì phải tự làm hết từ mọi thứ: nghiên cứu chuyên môn, quản trị dự án, tổ chức doanh nghiệp, tuyển dụng thúc đẩy nhân lực, cống hiến hết mình cả thời gian và tiền bạc.

Nên phát triển mô hình ba bên cùng đầu tư phát triển công nghệ: Viện trường nghiên cứu chi 1 phần nghiên cứu, Doanh nghiệp đặt hàng chi 1 phần, tổ chức trung gian hỗ trợ tư vấn. Đề xuất các đề tài nghiên cứu giáo sư, tiến sĩ chỉ được tiến hành khi có doanh nghiệp đặt hàng, ứng dụng công nghệ đầu ra.

Về mặt chính sách: Việc đầu tư cho khoa học công nghệ là đầu tư mạo hiểm, khả năng rủi ro mất vốn là rất cao. Tuy nhiên khi đầu tư thất bại thì lại dễ bị vướng vào luật làm thất thoát vốn đầu tư của nhà nước nên rất khó để triển khai. Bên cạnh đó là nhiều vấn đề liên quan tới luật về bảo mật thông tin, thực thi luật.

Việc ngăn cấm, kiện tụng trong vi phạm quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) còn nhiều vấn đề như tốn kém thời gian, tiền bạc, thủ tục, bằng chứng. Việc định giá, đánh giá sáng chế cũng rất khó khăn để xác định giá trị của tài sản trí tuệ này. Thời gian ra bằng bảo hộ khá lâu: từ 1,5 - 5 năm. Do vậy tác giả cần đăng ký ngay khi có sản phẩm, công nghệ mới để lấy ngày nộp đơn sớm. Việc đăng ký bảo hộ SHTT có các lợi thế là trong quá trình đăng ký được chuyên gia thẩm định góp ý hoàn thiện được trình độ công nghệ, tính mới được nâng cao hơn. Tài sản trí tuệ khi được cấp bằng bảo hộ sẽ làm tăng độ tin cậy cũng như giá trị doanh nghiệp sở hữu.

Các bên cần xác định rõ mục tiêu và bắt tay vào hành động, bắt đầu từ việc tra cứu thông tin công nghệ, khảo sát thị trường, nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, đăng ký bảo hộ SHTT, …

Một số tổ chức trung gian tiêu biểu hỗ trợ, tư vấn cho việc chuyển giao công nghệ:

Tài liệu Sổ tay thương mại hóa download tại đây

Danh sách các đơn vị dịch vụ chuyển giao công nghệ download tại đây.