Phát triển công nghiệp phụ trợ xe điện

Phát triển công nghiệp phụ trợ xe điện

Tiếp nối chuỗi Sự kiện trong Triển lãm - Hội chợ trên không gian mạng VIDEX 2021, sáng ngày 15/12/2021, tại Nhà khách Bộ Quốc phòng, Hà Nội diễn ra Hội thảo quốc tế “Phát triển công nghiệp phụ trợ xe điện”

Hội thảo quốc tế “Phát triển công nghiệp phụ trợ xe điện” do Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ - Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Triển lãm và Xúc tiến thương mại Quân đội - Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng và Trung tâm R&D Chungnam Oto Technopark - Hàn Quốc phối hợp thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tiếp.

Tham dự Hội thảo tại điểm cầu Việt Nam có Đại tá Phạm Toàn Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc Phòng; bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ; Lãnh đạo các Sở KH&CN, Lãnh đạo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, các Trung tâm thực hiện chức năng ứng dụng, chuyển giao công nghệ từ các tỉnh, thành phố trên cả nước tại các điểm cầu trực tuyến. Tại điểm cầu Hàn Quốc có ông Lee Hyo Hwan, Giám đốc Trung tâm R&D Automoble, Chungnam Techno Park, ông Choi Chae Sung, Trưởng phòng Phát triển công nghiệp Chungnam, Ông Yun Dae Sik, ASEAN Technology Cooperation Director, Giám đốc dự án phát triển thị trường xe điện cỡ nhỏ Việt Nam - Hàn Quốc, ông Lê Hiệp Cường - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Trưởng Văn phòng Đại diện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Hàn Quốc và đại diện Lãnh đạo các doanh nghiệp Hàn Quốc.

 

Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Trần Thị Hồng Lan phát biểu khai mạc Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ chia sẻ, Việt Nam là quốc gia đi sau trong ngành xe điện. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho Việt Nam trong bối cảnh công nghệ liên quan tới xe điện đang được phát triển rất nhanh với mức độ hoàn thiện ngày càng cao, mang lại hiệu quả cao hơn về các mặt kinh tế - môi trường so với trước đây.

Thực hiện lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 mới đây tại Glasgow, Việt Nam đã đưa ra thông điệp và cam kết mạnh mẽ trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để hiện thực hóa cam kết này, nhiều biện pháp giúp chuyển đổi năng lượng đã, đang và sẽ được tiến hành trong nhiều lĩnh vực, trong đó có phát triển xe điện.

Để thúc đẩy phát triển xe điện, ngành công nghiệp phụ trợ cho xe điện cần được chú trọng, quan tâm đầu tư. Đặc biệt, việc tăng tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp phụ trợ cho xe điện trong nước sẽ giúp giải bài toán giảm chi phí sản xuất và giá bán đến người tiêu dùng, ổn định nguồn cung linh kiện, thu hút nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam đặt nhà máy sản xuất.

Phó Cục trưởng cũng nếu ra bốn yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam gồm: (1) Ngành công nghiệp xe điện đỏi hỏi chi phí đầu tư rất lớn; (2) Cơ sở hạ tầng liên quan đến xe điện của Việt Nam còn hạn chế như thiếu trạm sạc, thiết bị sạc tốc độ cao; (3) các tác động đối với môi trường từ quá trình sử dụng xe điện như xử lý pin hay (4) chính sách hỗ trợ cần được đổi mới, hoàn thiện.

Bà Trần Hồng Lan tin tưởng rằng, Hàn Quốc là quốc gia có nền công nghiệp xe điện và phụ trợ xe điện phát triển, đồng thời cũng là quốc gia có lượng vốn FDI đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, môi trường - văn hóa - công nghệ của Hàn Quốc với Việt Nam có nhiều nét tương đồng do đó có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác song phương. Với các giải pháp công nghệ, sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ xe điện của các doanh nghiệp Hàn Quốc, chúng ta sẽ có một nền tảng để học hỏi, kế thừa, rút ngắn trong việc phát triển xe điện. Đây là cơ hội để kết nối, hợp tác kinh doanh đối với các doanh nghiệp hai nước. Mong rằng trong tương lai, chúng ta sẽ tiếp tục có các cuộc kết nối, trao đổi, và cụ thể hơn là tạo ra được nhiều sản phẩm ứng dụng tại Việt Nam.

Theo Đại tá Phạm Toàn Thắng, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho ngành công nghiệp ôtô điện chạy pin nếu có chính sách hỗ trợ ưu đãi phù hợp và có doanh nghiệp đầu tư bài bản, đồng bộ. Hiện nay, trong nước mới chỉ có doanh nghiệp duy nhất sản xuất ôtô điện chạy pin là VinFast với công suất sản xuất, lắp ráp 250.000 xe một năm. Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp so với tiềm năng phát triển của Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng

Đại tá Phạm Toàn Thắng phát biểu tại Hội thảo

Tại Việt Nam, đã có doanh nghiệp bắt đầu phát triển sản xuất, lắp ráp xe nhiên liệu sạch nhưng hiện chưa có cơ chế, lộ trình về chính sách trao đổi khí carbon và xây dựng cơ sở hạ tầng trạm sạc để phát triển loại xe này.

Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đã đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu ban hành chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô nhiên liệu sạch để hòa nhập kịp thời với xu hướng phát triển chung của thế giới, khu vực. Việc này cũng giúp những doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô Việt Nam có thể sản xuất ôtô nhiên liệu sạch định hướng thị trường nội địa theo hướng bảo vệ môi trường và xuất khẩu.

Thông qua hội thảo, ông mong muốn thúc đẩy hợp tác và chia sẻ đối với hoạt động phát triển ngành công nghệ phụ trợ xe điện giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Về phía Chungnam Techno Park, ông Lee Hyo Hwan, Giám đốc Trung tâm R&D Automoble cũng chia sẻ: Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ và Chungnam Techno Park đã có những phối hợp từ trước đó, mong muốn hợp tác giữa hai nước sẽ tập trung vào: 1) hỗ trợ hợp tác phát triển và sản xuất các công ty xe điện thương mại nhỏ và các công ty phụ tùng ô tô, 2) hỗ trợ xuất khẩu xe điện nhỏ và các công ty phụ tùng ô tô vào Việt Nam, 3) thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa các công ty ô tô Hàn Quốc và các công ty ô tô Việt Nam, 4) thiết lập mối quan hệ trao đổi công nghệ và hợp tác lẫn nhau giữa các công ty ô tô.

Tại chương trình đã diễn ra hai phiên hoạt động: Phiên Hội thảo với các tham luận đến từ Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật DMK Việt Nam, Trung tâm R&D ô tô Chungnam Technopark, Công ty TNHH Nagoya Vietnam Industry, Công ty TNHH Giải pháp Ô tô Việt Nam, Khoa Cơ khí ô tô - Đại học Bách khoa Hà Nội và Phiên kết nối B2B giữa 23 doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, xe điện và an ninh quốc phòng với 50 doanh nghiệp Việt Nam.

 Trong chuỗi Sự kiện tại VIDEX 2021 có các buổi Hội thảo Kinh tế - quốc phòng trong kỷ nguyên công nghệ số vào chiều ngày 15/12/2021 và Hội thảo “Giải pháp công nghệ an ninh của Israel trong lĩnh vực an ninh quốc phòng và dân sự” diễn ra vào chiều 16/12/2021.

Các sự kiện sẽ được phát trực tuyến tại website: https://videx.vn/