XÂY DỰNG TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG ỨNG DỤNG - THƯƠNG MẠI HÓA SÁNG CHẾ

XÂY DỰNG TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG ỨNG DỤNG - THƯƠNG MẠI HÓA SÁNG CHẾ

 Sáng chế có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển khoa học và kinh tế xã hội. Song trên thực tế, không phải sáng chế nào được cấp bằng bảo hộ độc quyền cũng đều có khả năng ứng dụng. Để thuận lợi đưa được sáng chế vào ứng dụng thực tiễn và có thể mang lại lợi nhuận cho chủ sở hữu, cần phải xem xét đánh giá tính khả thi của sáng chế. Việc xây dựng các tiêu chí đánh giá tiềm năng ứng dụng sáng chế có thể được thực hiện theo nhiều cách với các tiêu chí khác nhau tùy thuộc vào quan điểm của từng nhà nghiên cứu. Bài viết đề xuất một khung đánh giá dựa trên 3 nhóm tiêu chí lớn: kỹ thuật/công nghệ, kinh tế/thương mại, tiêu chí khác.

Trên thế giới đã có khá nhiều nghiên cứu về cách thức đánh giá của sáng chế, công nghệ nhằm xác định tiềm năng ứng dụng sáng chế với các cách tiếp cận khác nhau, tùy thuộc vào quan điểm của từng nhà nghiên cứu. Mối liên hệ từ nghiên cứu đến người dùng (Elie Geisler 2002)  có thể được xem theo cách tiếp cận "kéo - đẩy" (push-pull approach). Cách tiếp cận "kéo" trong đó động lực thúc đẩy công nghệ đến từ người dùng. Cách tiếp cận "đẩy" mô tả trường hợp những người tạo ra công nghệ đã nỗ lực đưa công nghệ đến với người dùng. Cách tiếp cận "đẩy" sẽ được hướng dẫn bởi các giá trị và thái độ của người tạo ra công nghệ, trong khi với cách tiếp cận "kéo", tiêu chí sẽ là của người dùng. Ai quyết định dòng chảy của công nghệ? Câu hỏi này là trọng tâm của mô hình “kéo – đẩy” để phân tích sự thay đổi, chuyển giao và sử dụng công nghệ. Theo Jasinki (2006), tiềm năng chuyển giao, ứng dụng công nghệ, sáng chế được phản ánh qua các tiêu chí như vòng đời công nghệ, lợi ích, chi phí và rủi ro.

Đại học Queensland đã đưa ra một cách tiếp cận phù hợp để đánh giá tiềm năng thương mại hóa của các kết quả nghiên cứu, sáng chế  và chuyển giao công nghệ tiềm năng từ các trường đại học thông qua một danh mục những tiêu chí quan trọng. Thông qua phân tích dữ liệu thu thập được, các loại tiêu chí được coi là quan trọng để đánh giá trước đó là: Mức độ sẵn sàng về công nghệ, Pháp lý và quy định, Lợi ích & tác động xã hội và Các yếu tố kinh tế và thị trường.

          Có thể thấy rằng việc ứng dụng sáng chế thành công hay không phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố, chính vì vậy cần có một đánh giá sơ bộ về sáng chế trước khi đưa ra quyết định ứng dụng. Việc xây dựng một hệ thống các tiêu chí giúp hoàn thiện hơn việc đánh giá này cũng như giảm thiểu các rủi ro không đáng có trong quá trình ứng dụng sáng chế là rất cần thiết.

Một khung đánh giá tiềm năng ứng dụng sáng chế được đề xuất  theo 3 nhóm tiêu chí lớn, gồm:

  1. Nhóm tiêu chí về kỹ thuật/công nghệ: bao gồm 08 tiêu chí con liên quan đến đặc trưng kỹ thuật/công nghệ của sáng chế:
  • Khả năng xuất hiện của các sáng chế tương tự trên thị trường
  • Tính ưu việt của sáng chế trong việc hoàn thiện sản phẩm, công nghệ hiện có
  • Khả năng dễ dàng sao chép, giải mã mức độ phức tạp khi đưa sáng chế vào ứng dụng
  • Mức độ sử dụng hạ tầng hiện có khi ứng dụng sáng chế
  • Khả năng tương thích của sáng chế
  • Phạm vi, quy mô ứng dụng sáng chế
  • Tốc độ lỗi thời của sản phẩm, công nghệ khi ứng dụng sáng chế
  • Lợi thế cạnh tranh cốt lõi về kỹ thuật khi ứng dụng sáng chế

Mục tiêu của nhóm tiêu chí này nhằm xác định khi đưa sáng chế vào ứng dụng  thì sáng chế đó có dễ bị sao chép hay không, ưu điểm của sáng chế là gì, phạm vi quy mô ứng dụng sáng chế ra sao, đồng thời xác định được tốc độ lỗi thời của sáng chế từ đó đưa ra được những đánh giá nhận xét về khả năng áp dụng sáng chế vào thực tiễn

  1. Nhóm tiêu chí về kinh tế/thương mại: bao gồm 09 tiêu chí con liên quan đến khía cạnh kinh tế và thương mại của sáng chế:
  • Sự cạnh tranh trong ngành mà sáng chế được ứng dụng
  • Lợi ích khi ứng dụng sáng chế
  • Các loại chi phí khi ứng dụng sáng chế
  • Khả năng huy động nguồn lực để áp dụng sáng chế, làm chủ công nghệ
  • Kỳ vọng lợi nhuận từ việc ứng dụng sáng chế
  • Quy mô thị trường đối với công nghệ của sáng chế hoặc sản phẩm của nó
  • Khả năng chiếm lĩnh thị trường sản phẩm/công nghệ do ứng dụng sáng chế
  • Lợi thế cạnh tranh cốt lõi về mặt thương mại khi ứng dụng sáng chế
  • Tác động đối với sự phát triển của nền kinh tế/ngành công nghiệp từ việc áp dụng sáng chế

Mục tiêu của nhóm tiêu chí này nhằm xác định khi đưa sáng chế vào ứng dụng thì liệu kỳ vọng lợi nhuận của sáng chế như thế nào, có khả năng chiếm lĩnh thị trường hay không hoặc xem xét các chi phí khi áp dụng sáng chế từ đó sẽ xác định được nếu ứng dụng sáng chế vào thực tiễn thì khả năng sinh lời từ sáng chế có đạt được như mong muốn của chủ sở hữu

  1. Nhóm tiêu chí khác: bao gồm 02 tiêu chí con về tiêu chuẩn ứng dụng, và tác động đến lợi ích xã hội nói chung:
  • Các tiêu chuẩn ứng dụng cho công nghệ
  • Lợi ích xã hội và tác động của công nghệ hoặc sản phẩm của nó

Mục tieu của nhóm tiêu chí này là xem xét các khía cạnh khác của sáng chế xem sáng chế đó có tác động đem lại lợi ích cộng đồng cho xã hội hay không và nếu ứng dụng thì sẽ và nên theo tiêu chuẩn nào.

Khung đánh giá này có thể coi như một cơ sở tham khảo, ứng dụng nhằm hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà sáng chế trong việc lựa chọn sáng chế phù hợp cho chiến lược phát triển của mình.

Tài liệu tham khảo

1. Elie Geisler (2002), The metrics of technology evaluation: Where we stand and where we should go from here.

2. Queensland University of Technology(2014), A Criteria-based Approach for Evaluating Innovation Commercialisation, Kavoos Mohannak.

3. WIPO (2018), IP Management & Technology Commercialization, Enabling Intellectual Property  Environment (EIE) Project –Malaysia.